in offset – Hằng ngày vẫn cặm cụi thêu vá, từng đường kim mũi chỉ cặm cụi xâu từng hạt cườm. Mặc dù mỗi em đều mang trên mình một khuyết tật nhưng những sản phẩm của các em làm ra đã để lại cho đời không chỉ là những bức tranh thêu, những chiếc vòng xinh xắn mà còn là nghị lực và ý chí của các em.

Trên tầng 2 của Trung tâm Nuôi dưỡng – bảo trợ trẻ em Gò Vấp (số 45 đường Nguyễn Văn Bảo), lớp tranh thêu và kết cườm được duy trì với thời khóa biểu phù hợp với thể lực của các em: từ thứ 2 – thứ 5 học thêu và kết cườm; thứ 6, thứ 7 hoạt động ngoài trời và đọc truyện, vẽ tranh…

 Để hướng dẫn cho các em khuyết tật đòi hỏi phải có sự nhẫn nại và phải dành rất nhiều thơi gian cho các em. Cô Nguyễn Thị Bé chia sẻ, để các em có thể thêu được thành thục thì phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần các em mới thuộc.

Hướng dẫn các em thêu tranh

Hiểu được sự quan tâm và tấm lòng của cô, các học viên cũng luyện tập say sưa hàng giờ. Để thêu được một bức tranh thì các em phải mất từ một đến vài tháng sau khi đã thành thục các bước. Nội dung các bức tranh rất phong phú: cảnh quê hương, hoa cỏ, động vật… có cả tranh thư pháp, tranh đồng hồ.

Do số lượng có hạn nên sản phẩm chủ yếu để tặng mạnh thường quân và làm đẹp cho các căn phòng, để mỗi lần có khách đến thăm, các bảo mẫu hãnh diện giới thiệu: “Tự tay các em ở trung tâm làm đấy!”.

Tranh thêu và vòng của các em đã làm

Với người bình thường thì những bức tranh này không có gì đặc biết, nhưng đối với các em đây là niềm tự hào to lớn ở mái ấm này, đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi vì các em, các cháu phần lớn mang nhiều bệnh tật hiểm nghèo và đa dị tật… Gia đình ruột thịt đã từ bỏ vì họ không còn niềm tin vào việc cứu sống, nuôi dưỡng các em. Nhưng ở nơi này, niềm tin ấy lại được thắp sáng và duy trì bền bỉ bởi những người cha, người mẹ mặc đồng phục áo xanh.

Tổ trạm xá có lẽ là nơi ngọn lửa niềm tin cháy bền bỉ nhất. Những em bé với thân hình cong vẹo (dị tật tứ chi), đầu to hơn chiếc gối (não úng thủy), miệng cười ngây ngô hay nước dãi ròng ròng (bại não)… luôn được các bảo mẫu chăm sóc ân cần và tình nguyện viên hàng ngày đến giúp các em tập vật lý trị liệu.

Một cô bảo mẫu cười rạng rỡ: “Thấy Nghĩa của tôi đẹp trai không? Sắp được phẫu thuật tách ngón tay rồi đó. Sau khi tách, sẽ tập cho ngón tay bé co duỗi được, mai mốt Nghĩa sẽ tự cầm muỗng xúc cơm ăn”.

Bé Nghĩa đang chờ được phẫu thuật tách ngón tay

Khó có thể đong đếm được nỗi nhọc nhằn của các nhân viên nơi đây, vì nuôi nấng đứa trẻ bình thường đã biết bao vất vả, huống chi là những bé đa dị tật, phải tổn hao tâm trí, sức lực gấp nhiều lần, và ròng rã từ ngày này sang tháng khác.

Anh Nguyễn Hữu Phúc, điều dưỡng viên của trung tâm chia sẻ: “Căng thẳng nhất là chăm sóc các cháu bị tim bẩm sinh, mỗi lần các cháu khó thở, tím tái là tất cả mọi người nháo nhào. Trẻ bị não úng thủy thì đỡ căng thẳng hơn nhưng các cháu ra đi rất nhanh…” – giọng anh chùng xuống.

Nhân viên y tế và tình nguyện viên kiên trì tập vật lý trị liệu cho các em bị bại não

Kinh phí chữa bệnh cho bầy trẻ luôn là bài toán khó. Mỗi lần ngồi làm việc cùng nhau, anh Phúc và chị Hồ Thanh Loan – giám đốc trung tâm phải suy tính, cân nhắc thật kỹ: cháu nào bệnh nặng phải ưu tiên, ca mổ nào nhiều tiền – phải kêu gọi các tổ chức giúp đỡ, cần có thêm mười  mấy bộ nẹp chân tập đi – phải mua ở nơi vừa rẻ vừa bền. Cơ sở vật chất cũng xuống cấp rồi đấy, nhưng phải lo chữa bệnh cho các cháu trước…

Trung tâm Nuôi dưỡng – bảo trợ trẻ em Gò Vấp với nhịp đập riêng của mình được duy trì như vậy: chị Loan trăn trở với bài toán kinh phí; anh Phúc căng thẳng với các ca bệnh nguy hiểm; các cô bảo mẫu tất bật với sữa, tã; cô trò lớp tranh thêu cần mẫn với từng đường kim… mỗi người âm thầm thắp lên ngọn lửa niềm tin không bao giờ tắt.

VEX